Một cây kim móc và một cuộn len có thể làm nên vô vàn những điều kỳ diệu. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn các bước móc len cơ bản. Khi nắm được các bước này thì bạn sẽ có thể móc áo, khăn và lót ly thành thục một cách nhanh chóng.
I. Tìm hiểu về kim móc và các loại len
1/ Tìm hiểu về các loại len khác nhau. Trên thị trường có rất nhiều loại len sợi khác nhau. Tùy vào từng sản phẩm mà bạn cần chọn loại len cho phù hợp. Nếu mới học móc len, bạn nên chọn len cotton trơn, đơn giản hoặc len acrylic mềm. Ngoài ra, hãy chọn len một màu để dễ quan sát cách các mũi móc được hình thành–nếu bạn dùng len kiểu thì sẽ khó quan sát hơn.
- Len acrylic mềm: Loại len này có giá thành rẻ hơn các loại khác, phù hợp với những người mới tập móc. Tuy nhiên bạn nên tránh dùng len quá rẻ khi móc thành phẩm để tặng cho người khác vì len rẻ thường xù và dặm (và sẽ chẳng ai muốn dùng một chiếc khăn dặm cả).
- Len 100% cotton: Len cotton phù hợp để móc các sản phẩm phải giặt nhiều (chẳng hạn như khăn lau bát đĩa. Loại len này thấm hút tốt và rất dễ giặt.
- Len novelty: Đây là loại len đa dạng nhất và nhìn chung cũng đắt nhất. Len novelty được làm từ những sợi len rất mềm, mịn, tạo ra những chiếc áo và khăn mềm mại tuyệt vời. Tuy nhiên bạn lưu ý không giặt len này thường xuyên như len cotton.
2/ Xem mác cuộn len để chọn kim móc phù hợp. Ngày nay, hầu hết các loại len đều có hướng dẫn chọn cỡ kim móc trên mác. Nếu chưa có chiếc kim móc nào và mới móc len lần đầu thì bạn hãy mua kim móc đúng cỡ được ghi trên loại len muốn sử dụng. Cỡ kim móc thường được tính bằng đơn vị milimet hoặc số thập phân của đơn vị inch.
- Theo nguyên tắc chung, sợi len càng to thì sẽ cần dùng kim móc cỡ càng lớn
3/ Cầm kim móc theo cách bạn cảm thấy thoải mái. Dù không có cách cầm kim móc “chuẩn” nhưng có hai cách cầm kim cơ bản có thể thay thế cho nhau, tùy vào việc bạn thuận tay nào. Cầm kim không đúng cách có thể khiến tay bị chuột rút.
- Tư thế tay trên kim: Bạn sẽ cầm kim sao cho cán kim nằm trong lòng bàn tay, giống như cầm cây bút chì. Tay bạn sẽ ở trên kim, ngón cái và ngón trỏ cầm vào điểm tỳ trên cán kim.
- Tư thế tay dưới kim: Bạn sẽ cầm kim móc như cầm một chiếc phới (dụng cụ vét bột). Cán kim sẽ nằm trên tay, ngón trỏ và ngón cái giữ vào điểm tỳ.
II. Học các mẫu móc cơ bản
1/ Móc nháp. Khi mới học móc len, bạn sẽ chưa thể móc được đều tay. Trước khi móc một sản phẩm nào đó, bạn nên móc nháp trước, tức là chỉ thực hành một kiểu móc nào đó mà không làm thành một sản phẩm nào cả–chỉ đơn giản là tập móc kiểu đó và điều chỉnh độ chặt, lỏng của các mũi móc.
2/ Móc dây bính. Tất cả các sản phẩm móc đều bắt đầu bằng một mũi bính hay mũi móc xích, thường được ký hiệu là ch trong sơ đồ hướng dẫn. Hãy tập móc dây bính khoảng 10 đến 15 phút một ngày cho đến khi bạn có thể kiểm soát sợi len để mũi móc không quá lỏng hay quá chặt.
- Tạo một nút trượt và quấn len lên kim. Để tạo nút trượt, bạn sẽ quấn sợi len thành một vòng tròn sao cho đầu ngắn của sợi len nằm sau vòng tròn. Xuyên kim qua vòng tròn, móc lấy đầu dài của sợi len rồi kéo ngược trở lại. Siết nhẹ để sợi len quấn chặt vào kim móc và tạo thành một nút trượt.
- Giữ đuôi nút trượt bằng ngón cái và ngón giữa (nếu bạn thuận tay phải). Bạn sẽ dùng ngón trỏ tay trái quấn sợi len từ sau ra trước thân kim; dùng đầu móc kéo sợi len qua vòng tròn trên kim–bạn sẽ được một mũi bính. Lặp lại các bước trên để tạo thành một dây bính.
3/ Móc mũi trượt (viết tắt là sl st). Mũi này thường được dùng để kết thúc sản phẩm, chiết mũi, viền cạnh hoặc di chuyển sợi len đến một vị trí khác mà không làm thay đổi chiều cao mũi móc.
- Bạn sẽ móc một dây gồm sáu bính. Sau đó trượt kim móc qua mũi bính đầu tiên để tạo thành một vòng tròn. (Mũi bính đầu tiên là mũi xa kim móc nhất vì được móc trước nhất).
- Dùng tay giữ len (tay không thuận) quấn sợi len từ sau ra trước thân kim, đồng thời xoay kim để đầu móc hướng về bạn.
- Kéo kim móc cùng sợi len ngược trở lại và kéo qua vòng tròn trên kim. Như vậy là bạn vừa móc xong mũi trượt rồi.
4/ Móc mũi móc đơn (sc). Luồn kim qua mũi bính và móc len để tạo thành một vòng tròn khác (nhưng không luồn qua vòng tròn có sẵn trên thân kim). Lúc này trên thân kim sẽ có hai vòng tròn. Bạn hãy móc len và kéo qua cả hai vòng tròn đó, trên kim lúc này sẽ chỉ còn lại một vòng. Tiếp tục lặp lại các bước trên.
- Mũi móc đơn khá chặt và khi lên sản phẩm sẽ tạo thành họa tiết khá dày.
5/ Mũi móc kép. Mũi móc kép thường được dùng để móc áo len và khăn vì sẽ cho ra sản phẩm mềm mại hơn các mũi khác (và sẽ thoải mái hơn khi sử dụng)
- Móc một dây 15 mũi bính. Bạn sẽ quấn len quanh kim từ sau ra trước, đâm kim móc qua hai vòng phía trước của mũi bính thứ tư tính từ kim móc, quấn len thêm một vòng quanh kim.
- Nhẹ nhàng kéo kim móc cùng sợi len qua mũi bính. Lúc này bạn sẽ có ba vòng len trên kim.
- Kéo kim móc qua hai vòng len đầu tiên trên kim, sau đó tiếp tục quấn len và kéo kim móc qua hai vòng còn lại, như vậy là bạn đã hoàn thành một mũi kép. Tiếp tục lặp lại các bước trên.
III. Móc các mẫu nâng cao
1/ Học móc dây xích quay lại. Bạn sẽ cần móc dây này khi muốn chuyển hướng móc.
2/ Móc vòng tròn. Cách móc này được dùng để tạo ra các sản phẩm có hình tròn như mũ hay lót ly.
3/ Móc hoạ tiết hình vuông. Bạn có thể móc hoạ tiết này và ghép chúng lại thành chiếc chăn một cách nhanh chóng.
4/ Móc thảm lau chân từ vải cũ. Bạn có nhiều quần áo và chăn cũ mà không biết để làm gì? Hãy để chúng tiếp tục sứ mệnh của mình dưới hình hài của một chiếc thảm!
5/ Sống xanh bằng cách tự móc miếng rửa chén bát. Một chiếc miếng rửa chén bát có thể tái sử dụng nhiều lần sẽ giúp căn bếp trở nên thân thiện hơn với môi trường.
6/ Móc mẫu Doily hoa hồng cổ điển. Các mẫu doily sẽ mang lại sự sang trọng và tao nhã cho mọi đồ vật, kể cả một chiếc bàn đầy những vết xước. Hãy thử điểm tô thêm một chút tinh tế cho ngôi nhà của bạn bằng một vài mẫu doily xem sao nhé.
7/ Bạn thử móc yếm dãi cho em bé đi. Nếu có ai dễ thương hơn em bé đeo chiếc yếm dãi bạn tự làm thì chắc chắn là em bé đeo chiếc yếm dãi do bạn tự móc đấy.
Chia sẻ: Sarah Stearns